Du lịch Hội An - Khái quát những thông tin cần biết

Hội An luôn được xếp vào danh sách những địa điểm hấp dẫn trong cung đường du lịch miền Trung, phố cổ Hội An như một bức tranh mộc mạc, giản dị và nên thơ. Từ 400 năm trước, Hội An đã là một thương cảng đông đúc, nơi tập trung các thương nhân từ khắp thế giới, tạo nên nét văn hóa giao thoa Đông- Tây. Ngày nay, Hội An là một trong những đô thị cổ hiếm hoi vấn còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

     Hội An luôn được xếp vào danh sách những địa điểm hấp dẫn trong cung đường du lịch miền Trung, phố cổ Hội An như một bức tranh mộc mạc, giản dị và nên thơ. Từ 400 năm trước, Hội An đã là một thương cảng đông đúc, nơi tập trung các thương nhân từ khắp thế giới, tạo nên nét văn hóa giao thoa Đông- Tây. Ngày nay, Hội An là một trong những đô thị cổ hiếm hoi vấn còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

     Ngoài những giá trị văn hóa qua kiến trúc đa dạng, cảng thị Hội An còn lưu giữ một nền tảng văn hóa phi vật thể đồ sộ. Cùng Etrip4U khám phá du lịch Hội An thông qua bài viết này nhé.

Hội An gìn giữ nét đẹp cổ kính, nền văn hóa kết hợp phương Đông- Tây

THÔNG TIN CHUNG

     Hội An là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng 30km, cách Huế 120km, cách Hà nội 800km, cách Sài Gòn 940km. 

     Hội An là một đô thị cổ kính đã có sự xuất hiện của con người từ thời Tiền Sử. Từ thế kỷ thứ II cho đến thế kỷ thừ XV, Hội An là địa bàn cư trú của cư dân Chăm Pa với một nền văn hóa phát triển rực rỡ. Từ thế kỷ thứ XV đến thế kỷ thứ XVII Hội An phát triển rực rỡ trở thành một trung tâm kinh tế lớn của Đại Việt với một thương cảng phồn thịnh. Tgh[ì kỳ này tại Hội An có sự xuất hiện của người Hoa và người Nhật cùng sinh sống. Qua thế kỷ thứ XVIII và XIX, do ảnh hưởng của chiến tranh cũng như biến đổi địa chất (bồi lấp cửa sông), và thể chế chính trị, Hội An bước vào thời kỳ suy vong với sự di cư của người Hoa và người Nhật, những công trình kiến trúc bị tàn phá, chỉ còn lại dấu tích. Vào thời kỳ Pháp thuộc, Hội An là mooytj vùng đất được bảo hộ, nhưng cubgf không còn phát triển như trước. Sau ngày hòa bình lập lại (1975) Hội An dần khôi phục với các làng nghề truyền thống, từ năm 2008, Hội An chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Những năm gần đây, Hội An chú trọng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

DU LỊCH HỘI AN

THỜI ĐIỂM ĐẸP NHẤT DU LỊCH HỘI AN

     Hội An có kiểu khí hậu chia thành hai mùa rõ rệt là mùa khô (từ tháng 1- tháng 7) và mùa mưa (từ tháng 8 – tháng 12). Thời điểm Hội An đẹp nhất vào mùa khô, đặc biệt từ tháng 2 đến tháng 4, lúc này khí hậu vào xuân, chớm hè, thời tiết mát mẻ và nắng không quá gắt. Mùa mưa thời tiết khá ôn hòa, mưa dai dẳng và đôi khi gây lụt. Bạn cần theo dõi thời tiết cẩn thận nếu muốn du lịch Hội An vào mùa này.

Thời tiết Hội An đẹp nhất từ tháng 2 đến tháng 4

     Theo kinh nghiệm du lịch Hội An thì du khách còn đặc biệt muốn ghé thăm Hội An vào ngày rằm hàng tháng. Cứ đến ngày 14 âm lịch, phố cổ được thắp sáng bởi ánh đèn lồng lung linh đủ màu sắc, hai bên bờ sông tràn ngập giai điệu của những bài hát cổ truyền, hoạt động thả hoa đăng trên sông và các trò chơi dân gian diễn ra trên những con đường ở phố cổ. Tất nhiên không thể thiếu những món ăn truyền thống hấp dẫn.

Thả đèn hoa đăng trên sông Thu Bồn vào ngày rằm hàng tháng

PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN KHI DU LỊCH HỘI AN

Máy bay

     Từ hai miền Bắc, Nam muốn du lịch Hội An, bạn có thể mua vé máy bay đến Đà Nẵng rồi tiếp tục di chuyển đến Hội An. Các hãng hàng không khai thác chuyến bay hàng ngày đến Đà Nẵng như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways có mức giá dao động từ 600.000đ/chiều, thời gian bay khoảng 1 tiếng rưỡi.

Từ Đà Nẵng, có thể di chuyển bằng taxi hoặc bus đến Hội An:

     Taxi: rất nhiều hãng taxi có thể dễ dàng đón tại sân bay Đà Nẵng, chỉ mất khoảng 45 phút để bạn di chuyển đến Hội An. Chi phí khoảng từ 350.000đ/lượt.

     Xe Bus: Bạn có thể bắt xe bus số 1 (tuyến bến xe trung tâm Đà Nẵng – bến xe Hội An) với giá chỉ từ 25.000đ/lượt. Phương tiện này thích hợp cho những du khách muốn tiết kiệm hay thích du lịch bụi.

Tàu hỏa

     Tương tự như máy bay, bạn sẽ mua vé tàu hỏa đi Đà Nẵng, thời gian mất khoảng 15-20 giờ.

     Từ Hà Nội đi Đà Nẵng giá vé khoảng 600-1.200.000đ/chiều tùy hạng ghế

     Từ Sài Gòn đi Đà Nẵng giá vé khoảng 900-1.300.000đ/chiều tùy hạng ghế

Xe khách

     Nếu di chuyển bằng xe khách bạn sẽ đến thẳng Hội An mà không cần dừng chân tại Đà Nẵng. Những chuyến xe chạy Bắc- Nam mà bạn có thể lựa chọn như Thiên An, Hạnh Café, The Sinh Tourist, Hoàng Long, Mai Linh,… Giá vé dao động tự 320.000đ/lượt

Phương tiện di chuyển ở Hội An

    Xe máy: giá thuê xe máy từ 120-150.000đ/xe/ngày, bạn có thể dễ dàng thuê tại khách sạn hoặc các điểm cho thuê xe máy.

     Xe đạp: đây là phương tiện được nhiều du khách lựa chọn nhất để tham quan phố cổ Hội An, vừa dạo quanh hóng mát và cảm nhận nhịp sống bình yên của thành phố. Một số khách sạn có cung cấp xe đạp miễn phí cho khách hoặc cho thuê với giá khoảng 40.000đ/xe/ngày.

Đạp xe dạo quanh phố cổ Hội An đem lại cho bạn cảm giác bình yên và thư thái

     Xích lô: Bạn có thể đón xích lô tại đường Phan Châu Trinh với giá từ 150.000đ/xe/giờ.

    Taxi: bạn có thể bắt taxi để di chuyển đến phố cổ rồi sau đó đi bộ tham quan trong phố. Các hãng taxi quen thuộc như Mai Linh, taxi Hội An, taxi Faifo,…

     Tàu, thuyền: đừng bỏ lỡ cơ hội đi thuyền trên sông  Hoài hoặc sông Thu Bồn, bạn có thể dễ dàng đón thuyền tại bến sông ở ngay trung tâm phố cổ. Giá thuyền từ 30.000đ/người tùy vào thời điểm và quãng đường.

Dạo thuyền trên sông Thu Bồn

NHỮNG ĐIỂM DU LỊCH KHÔNG THỂ BỎ LỠ KHI DU LỊCH HỘI AN

Khu vực trung tâm phố cổ Hội An

     Chùa Cầu là biểu tượng của Hội An, được xây dựng vào cuối thế kỷ 16 và còn được gọi là cầu Nhật Bản. Cầu có mái che độc đáo là sự kết hợp giữa các phong cách kiến trúc Việt, Trung, Nhật, và cả phương Tây. Ở giữa cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ Huyền Thiên Đại Đế nên được gọi là Chùa Cầu.

Check in chùa Cầu – biểu tượng của phố cổ Hội An

     Hội quán Phúc Kiến: Năm 1697 nhữn thương nhân Phúc Kiến đã quyên góp xây dựng một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu để cầu mong bà phù hộ cho họ vượt sóng gió đại dương. Trải qua nhiều lần trùng tu hội quán càng trở nên rực rỡ, khang trang, trở thành một điểm nhấn trong kiến trúc đô thị cổ Hội An.

Hội quán Phúc Kiến - 46 đường Trần Phú

     Hội quán Triều Châu: được xây dựng vào năm 1845 bởi Hoa Kiều bang Triều Châu, hội quán để thờ Phục Ba tướng quân Mã Viện – vị thần giỏi chế ngự sóng gió giúp cho việc buôn bán đi lại trên biển được thuận buồm xuôi gió. Hội quán có kết cấu kiến trúc mang giá trị đặc biệt với bộ khung gỗ chạm trổ tinh xảo, những họa tiết trang trí bằng gỗ và những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ đẹp tuyệt.

Hội quán Triều Châu - 92B đường Nguyễn Duy Hiệu

     Hội quán Quảng Đông: Vào những ngày đầu thành lập (1885), hội quán Duảng Đông là nơi thờ Thiên hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử. Sau năm 1911, hội quán được chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền của bang Quảng Đông (Những thương nhân gốc Quảng Đông tại Hội An). Kiến trúc là sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu gỗ và đá chịu lực, chi tiết trang trí độc đáo đem lại cho Hội quán vẻ đẹp đường bệ riêng có. Vào ngày Nguyên Tiêu, vía Quan Công hàng năm (24 tháng 6 âm lịch) tại đây diễn ra lễ hội rất linh đình thu hút nhiều người tham gia.

Hội Quán Quảng Đông - 176 Trần Phú

     Nhà thờ Tộc Trần: Một vị quan họ Trần - một dòng họ lớn từ Trung Hoa di cư đến Hội An vào những năm 1700. Hậu nhân của gia tộc này đã xây dựng nhà thờ Tộc Trần vào năm 1802 theo những nguyên tắc phong thủy truyền thống của người Trung Hoa và người Việt. Đây là nhà thờ còn giữ lại nguyên vẹn kiến trúc cổ xưa tại Hội An.

Nhà thờ Tộc Trần - số 21 đường Lê Lợi

     Nhà cổ Tấn Ký: được xây dựng cách đây 200 năm, nhà cổ có kiểu kiến trúc đặc trưng của nhà phố Hội An. Mặt tiền nhà là nơi để mở cửa hiệu buôn bán, mặt sau thông với bến sống để làm nơi sản xuất hàng hóa. Nhà được xây dựng bởi nhiều loại vật liệu truyền thống vừa mang nét riêng, thanh thoát, ấm cúng, vừa thể hiện sự giao thoa các phong cách kiến trúc trong khu vực. Nhà cổ Tấn Ký đã được cấp bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia năm 1990.

Nhà cổ Tấn Ký mang kiến trúc đặc trưng của một ngôi nhà phố cổ Hội An

     Ngoài ra, Hội An còn có hệ thống nhà cổ bao gồm nhà cổ Quân Thắng – 77 Trần Phú, nhà cổ Phùng Hưng – 04 Nguyễn Thị Minh Khai

     Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An: hội tụ hầu hết các ngành nghề thủ công truyền thống của Hội An và tỉnh Quảng Nam như dệt chiếu, vải, làm gốm, sơn mài,…

Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An - số 09 đường Nguyễn Thái Học

     Bảo tàng Lịch sử - Văn Hóa: được thành lập vào năm 1989, nơi đây trưng bày 212 hiện vật gốc và tư liệu có giá trị bằng gốm sứ, đồng sắt, giấy, gỗ… phản ánh các giai đoạn phát triển của đô thị từ thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh (thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên) đến thời kỳ văn hóa Chăm (từ thế kỷ 2 – thế kỷ 15) và văn hóa Đại Việt, Đại Nam (từ thế kỷ 15 – thế kỷ 19).

Vị trí: số 13 đường Nguyễn Huệ

     Công viên Ấn Tượng Hội An và Show Thực Cảnh Ký Ức Hội An: Đây chắc chắn sẽ là điểm nhất trong chuyến thăm phố Cổ Hội An của bạn. Show thực cảnh Ký Ức Hội An được khán giả đặt cho cái tên “Bữa tiệc thị giác” bởi bạn sẽ được thưởng thức hiệu ứng sân khấu ngoạn mục, đạo cụ chỉnh chu và những vũ điệu điêu luyện đầy biểu cảm trên sân khấu 25.000m2 lớn nhất Việt Nam giữa dòng sông Thu Bồn nên thơ.

Show diễn Ký Ức Hội An

     Chợ đêm Hội An là địa điểm dạo chơi buổi tối không thể bỏ qua khi du lịch Hội An, Chợ đêm nằm trên phố Nguyễn Hoàng, nơi tập trung hàng chục quầy hàng thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, và các vật phẩm lưu niệm được bày bán trong không gian lung linh, hoài cổ của những ánh đèn lồng đầy màu sắc.

Chợ đêm Hội An lung linh ánh đèn lồng đầy màu sắc

Những điểm tham quan xa trung tâm phố Cổ

Biển Cửa Đại

     Bãi biển cửa đại mang vẻ đẹp hoang sơ, bãi cát trắng và hàng dừa xanh trải dài vô cùng thơ mộng. Cửa Đại là một bãi tắm đẹp, có bãi cát trắng mịn, nước xanh trong, sóng nhỏ không quá lớn, hàng dừa xanh mát trải dài. Buổi tối ở đây lung linh ánh đèn dầu lãng mạn, nếu bạn yêu thích sự bình yên hoang sơ thì biển Cửa Đại là lựa chọn lý tưởng.

Biển Cửa Đại

Biển An Bàng

     Ngày nay bãi biển An Bàng đang ngày càng thu hút khách hơn hẳn biển Cửa Đại bởi ở đây có đầy đủ các dịch vụ nhà hàng, khách sạn khiến khung cảnh nhộn nhịp hơn. Nếu bạn đang muốn tìm đến một chốn vừa để nghỉ dưỡng, vừa để giải trí ăn uống thì An Bàng là lựa chọn số 1.

Làng mộc Kim Bồng

     Từ thời vua chúa nhà Nguyễn, những nghệ nhân làng mộc Kim Bồng đã được mời ra kinh đô xây dựng và tôn tạo các công trình thành quách, lăng tẩm. Khi đến tham quan làng nghề, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng các khâu chế tác ra nhiều sản phẩm mỹ nghệ gỗ rất tinh xảo.

Làng gốm Thanh Hà

     Làng gốm Thanh Hà nổi tiếng từ rất lâu đời, chất lượng gốm khác biệt hoàn toàn với các sản phẩm cùng loại của địa phương. 

     Ngôi làng nổi tiếng với nghề làm gốm vào thế ký 16, 17 với các mặt hàng gốm, đất nung được trao đổi buôn bán đi khắp các tỉnh miền Trung Việt Nam. Sản phẩm chủ yếu là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh,… điểm làm nên khác biệt về chất lượng là gốm Thanh Hà nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của địa phương khác.

Làng gốm Thanh Hà

Làng rau Trà Quế

     Điểm đến hấp dẫn cho những bạn thành phố, yêu vẻ đẹp bình yên của thiên nhiên, Làng rau Không gian thoáng mát, có đến 40 loại rau chủ yếu là rau thơm được trồng ở đây tạo nên một khung cảnh xanh mát. Làng rau Trà Quế là nơi cung cấp rau cho các quán ăn ở Hội An chuyên các món như mì Quảng, Cao Lầu, nem lụi,… phục vụ khách du lịch.

Làng rau Trà Quế

Làng bích họa Tam Thanh

     Ngôi làng nằm cách khá xa Hội An, khoảng 30km nên không có nhiều khách tới thăm. Tuy nhiên nếu bạn có nhiều thời gian thì nên đến đây một lần để tìm hiểu vì sao người ta gọi là làng bích họa. Ngôi làng đẹp không chỉ bởi những bức tranh bích họa đầy màu sắc mà đằng sau nó là những câu chuyện đầy ý nghĩa về con người và cuộc sống nơi đây.

Làng Bích Họa Tam Thanh - Hội An

Thánh địa Mỹ Sơn Hội An

     Một địa điểm bị “quên lãng” ở Quảng Nam bởi cách khá xa phố cổ Hội An, khoảng hơn 40km. Thánh địa Mỹ Sơn là một di tích nổi tiếng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. Nổi bật ở đây là các khu đền tháp có kiến trúc cực kỳ độc đáo, đây là nơi làm lễ thanh tẩy, dâng hiến lễ vật của những vị vua Vương quốc Chăm Pa. Nếu bạn là một người yêu lịch sử và thích tìm hiểu về văn hóa Chăm Pa thì nhất định nên ghé thăm nơi này.

Thánh địa Mỹ Sơn

Rừng dừa Bảy Mẫu

     Rừng dừa ở Hội An được hình thành từ khi biển xâm lấn vào đất liền, dòng nước bắt đầu chuyển sang lợ thì khá nhiều cây dừa nước đã bắt đầu mọc lên. Tận dụng vẻ đẹp này, người dân Hội An đã cải tạo để rừng dừa rộng “bảy mẫu” trở thành địa điểm du lịch sinh thái ở Hội An. Đến đây bạn được thưởng thức màn múa thúng điệu nghệ và hòa mình trong khung cảnh miền Tây sông nước ngay tại Hội An.

Rừng dừa bảy mẫu

Đảo Cù Lao Chàm

     Tập trung 8 hòn đảo lớn nhỏ, Cù Lao Chàm thu hút khách du lịch yêu thích cảnh biển hoang sơ, được trải nghiệm lặn ngắm san hô và thưởng thức những món hải sản tươi ngon trên bãi biển. Ngoài cảnh đẹp biển đảo, Cù Lao Chàm cũng có những di tích lịch sử như giếng cổ Chăm hay chùa cổ Hải Tạng.

Cù Lao Chàm

Vinpearl Land nam Hội An

     Một địa điểm du lịch mới ở Hội An và đang được kỳ vọng là nơi thu hút lượng lớn khách du lịch nghỉ dưỡng trong thời gian sắp tới. Vinpearl Land nam Hội An là tổ hợp khu vui chơi kết hợp với nghỉ dưỡng cao cấp bao gồm rất nhiều các hạng mục như công viên nước, vườn thú safari trên sông, bảo tàng, trò chơi mạo hiểm,… vô cùng hấp dẫn và mới lạ. Vinpearl Land nam Hội An mang một luồng gió mới cho du lịch Hội An trong những năm gần đây.

Vinpearlland Nam Hội An

     Ngoài ra các bạn có thể kết hợp tham quan Hội An – Đà Nẵng hoặc Hội An – Đà Nẵng – Huế nếu có nhiều thời gian, đừng ngần ngại tham khảo các tour du lịch Đà Nẵng, du lịch Huế trên trang Etrip4U tại đây nhé:

KHÁM PHÁ ẨM THỰC HỘI AN

     Hội An tuy nhỏ nhưng có một nền ẩm thực vô cùng phong phú, dưới đây là một số món ăn bạn nhất định nên thử khi du lịch Hội An:

Cơm gà Hội An

Cơm gà hội an

     Món ăn nổi tiếng nhất khi nhắc tới Hội An, được người dân Hội An khéo léo chế biến. Cơm dẻo được nấu với nước dùng gà và nghệ tạo nên màu vàng ươm quyến rũ, gà luộc trộn gỏi cùng hành tây, đu đủ bào sợi, rau thơm ăn cùng nước mắm chua ngọt thêm phần đậm đà.

     Địa chỉ tham khảo:

     Cơm gà Bà Buội: 26 Phan Châu Trinh

     Cơm gà Bà Hương: Kiệt Sica

     Cơm gà Long: 53 Phan Chu Trinh

Cao Lầu

Cao Lầu Hội An mang hương vị ẩm thực kết hợp của Nhật, Trung và Việt

     Món Cao Lầu đã xuất hiện ở Hội An từ thế kỷ 17, có lẽ vì vậy mà Cao Lầu chịu ảnh hưởng khá nhiều từ ẩm thực người Hoa và người Nhật. Sợi mì to như mì soba Nhật, thịt xá xíu kiểu Trung Hoa, ăn kèm rau sống và bánh phồng của Việt Nam.

     Địa chỉ tham khảo: rất dễ tìm thấy các quán ăn trên đường Trần Phú, Thái Phiên

     Cao Lầu Thanh: 26 Thái Phiên

     Cao Lầu Liên: 09 Thái Phiên

     Cao Lầu bà Bé: 19 Trần Phú

Bánh bao, bánh vạc

     Hai loại bánh này có nguyên liệu và cách làm gần giống nhau, điểm khác nhau là nhân bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn cùng gia vị tiêu, tỏi, hành, sả còn nhân bánh bao được làm thịt heo, nấm mộc nhĩ, hành lá xào cùng gia vị gia truyền.

     Địa chỉ tham khảo:

     Nhà hàng Bông Hồng Trắng ở đường Nhị Trung

Bánh đập – hến xào

Bánh đập - hến xào

     Nhắc đến món đặc sản dân dã của Hội An thì phải nói đến món bánh đập hến xào. Hến được xào cùng hành tây, gia vị rồi xúc kèm với miếng bánh tráng nướng giòn, vị thơm ngon lấp đầy khoang miệng. Bánh đập là sự kết hợp một lớp bánh tráng ướt đặt lên trên lớp bánh tráng nướng, khi ăn dùng tay đập miếng bánh vỡ ra rồi chấm với nước mắm nêm cay đặc biệt.

     Địa chỉ tham khảo:

     Quán bánh đập Bến Tre: 98/1 Nguyễn Tri Phương

Bánh xèo – nem lụi

Bánh xèo - nem lụi

     Bánh xèo của Hội An là kiểu bánh nhỏ, giòn rụm với đầy ắp nhân thịt, tôm, mực. Một số quán phục vụ kèm nem lụi làm nên một phiên bản hấp dẫn khác cho món ăn quen thuộc này.

     Địa chỉ tham khảo:

     Quán Giếng Bá Lễ: hẻm Phan Chu Trinh

     Quán Bale Well: 45/51 Trần Hưng Đạo

Bánh bèo chén Hội An

Bánh bèo Hội An

     Bánh bèo là món ăn đã trở nên quá quen thuộc có ở nhiều tỉnh thành nhưng khi ăn bánh bèo trong chén lại có vẻ ngon miệng và thú vị hơn. Bánh bèo được làm từ loại gạo ngon, nhân tôm, thịt thêm mỡ hành, tương ớt. Khi ăn phải dùng “dao tre” để lấy bánh ra khỏi chén.

     Địa chỉ tham khảo:

     Bánh bèo chén 48 Trần Phú

     Bánh bèo bà Bảy 02 Hoàng Văn Thụ

Nước Mót

Thưởng thức ly nước Mót thảo mộc giúp giải nhiệt giữa mùa hè ở Hội An

     Nước Mót là tên gọi của một loại nước thảo mộc được pha chế từ rất nhiều loại thảo dược như gừng, trà, quế,… rất tốt cho sức khỏe. Nước có vị ngọt thanh, chua chua giải nhiệt cực tốt, ly trà được trang trí thêm cánh hoa sen vừa ngon vừa xinh thu hút rất nhiều khách tìm đến quán.

Chè Hội An

     Chè ở Hội An mang hương vị đặc trưng của xứ Quảng, có nhiều loại chè như chè bắp, chè sen, chè đậu đen, chè mè đen, chè đậu ngự, chè trôi nước,…

     Bạn có thể dễ dàng thấy những cô gánh hàng rong trên trong phố cổ hoặc những quán chè trên vỉa hè đường Thái Phiên.

Các quán cà phê đẹp ở Hội An

     Đến Hội An, bạn không thể bỏ qua những quán cà phê có view bao trọn phố cổ Hội An. Vừa thưởng thức ly nước mát vừa ngắm nhìn không gian bình yên đậm chất hoài cổ.

     The Chef: 166 Trần Phú

     Hội An Roastery: 134 Trần Phú

     Faifo Coffee: 130 Trần Phú

     Cocobana: 16 Nguyễn Thái Học

DU LỊCH HỘI AN THÌ Ở ĐÂU CHO “CHẤT”?

Khách sạn ở Hội An

     Có hai khu vực chính là du khách thường yêu thích là khu vực phố Cổ và khu vực gần biển. Một số gợi ý từ Etrip4U cho bạn khi đến Hội An như Bella Maison, Vy Hoian Rose Garden Hotel, Khách sạn Lasenta, Boutique Hội An, River Suites Hoi An Hotel,…

Khu nghỉ dưỡng Resort ở Hội An

     Với mức giá cao hơn, bạn được trải nghiệm dịch vụ nghỉ dưỡng sang trọng ở các resort 5 sao Hội An như Four Seasons The Nam Hải Hội An, Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An, Victoria Hội An Beach Resort & Spa, Hội An Beach, Almanity Hội An Wellness,…

Homestay ở Hội An

     Những hostel, homestay ở Hội An là lựa chọn cho những du khách muốn tiết kiệm chi phí hoặc trải nghiệm đậm chất địa phương. Các homestay được chủ đầu tư về thiết kế không chỉ đẹp mà còn mang không khí hoài cổ, bình yên đúng kiểu Hội An.

     Bạn có thể tham khảo Under the Coconut Tree Hoi An Homestay, An Bang Beach Hideaway Homestay, Lemongrass Homestay, Heron House Hoi An,…

Villa ở Hội An

     Đây là lựa chọn hoàn hảo cho những ai đang tìm kiếm một khu nghỉ riêng biệt, dịch vụ chuyên nghiệp và cơ sở vật chất sang trọng.

     Golden Peach Villa Hoi An, Le Pavillon Hoi An, Golden Bell Hoi An Boutique Villa, Tue Tam Garden Villa,…

     Hy vọng với những kinh nghiệm du lịch Hội An trên đây sẽ giúp bạn có một chuyến đi nhiều trải nghiệm và ý nghĩa. Đừng quên đặt vé máy bay và phòng khách sạn tại Hội An trên Etrip4U để nhận nhiều ưu đãi tại đây nhé

Tour trọn gói/combo Hà Nội – Hội An:

Tour trọn gói/combo Sài Gòn – Hội An:

Tour du lịch Hội An hàng ngày đón khách tại Đà Nẵng/Hội An